Thân thế Càn_Long

Thời thơ ấu

Bức tượng của Càn Long Đế lúc 3 tuổi đang được tắm. Cổ vật ở Ung Hòa Cung, Bắc Kinh.

Càn Long tên thật là Ái Tân Giác La Hoằng Lịch (爱新觉罗弘曆), sinh vào ngày 13 tháng 8 (tức ngày 25 tháng 9 dương lịch) năm Khang Hy thứ 50 (1711), vào lúc nửa đêm tại Đông thư viện của phủ Ung Thân vương[1][2], tên khi còn bé nhỏ là Nguyên Thọ (元寿).[3] Thân phụ của ông là Thanh Thế Tông Ung Chính, khi ấy còn là Ung Thân vương. Còn thân mẫu ông là Nữu Hộ Lộc thị, khi ấy còn là Cách cách trong phủ Ung Thân vương.

Khi Hoằng Lịch chào đời, huynh trưởng của ông là Hoằng Huy (弘暉), Hoằng Phán (弘昐), Hoằng Quân (弘昀) đều sớm tạ thế. Hoằng Thời, anh trai thứ 4 (trên danh nghĩa là thứ 3) của Hoằng Lịch, là người con trai trưởng thành nhất của Ung Thân vương. Hoằng Lịch là con trai thứ 5 (trên danh nghĩa là thứ 4) của Ung Thân vương, thực tế là đứng thứ 2. Từ nhỏ, Hoằng Lịch tư chất hơn người, học đâu nhớ đó. Năm Khang Hy thứ 60 (1721), Khang Hy nghe nói cháu nội Hoằng Lịch ở Ung Thân vương phủ rất thông minh, bèn cho mời gặp. Sau khi gặp, Khang Hy rất thích Hoằng Lịch, lệnh đưa vào cung học vấn, sau đó còn cho đi theo mình đến Nhiệt Hà sơn trang. Khi đó, Hoằng Lịch mới 10 tuổi.[4]

Khi Khang Hi Đế qua đời (1722), Ung Thân vương đăng cơ, lấy niên hiệu là Ung Chính. Con trưởng Hoằng Thời hành vi phóng túng, rất không được Ung Chính yêu thích,[5] mà Hoằng Lịch vào những năm cuối, được Khang Hy sủng ái, nên vô hình chung đã khiến địa vị của Ung Chính trong cuộc tranh đoạt Hoàng vị suôn sẻ hơn. Đây có lẽ là lý do Ung Chính đã ngấm ngầm chọn Hoằng Lịch làm Trữ quân.

Vấn đề về sinh mẫu

Một trong những truyền thuyết phổ biến nhất về thân thế của Càn Long lưu truyền trong các câu chuyện dân gian, các bộ tiểu thuyết, dã sử chính là giả thuyết Càn Long là con cháu dòng họ Trần ở Hải Ninh, Chiết Giang.

Chuyện kể rằng, vào ngày 13 tháng 8 năm Khang Hi thứ 50, tức năm 1711, phủ của Ung Thân Vương, người sau này trở thành Hoàng đế Ung Chính, trở nên nhộn nhịp vui vẻ lạ thường. Hôm đó, Hoàng tử Dận Chân có thêm một đứa con. Cùng trong ngày hôm đó, nhà họ Trần ở Hải Ninh cũng có thêm một đứa trẻ. Nhà họ Trần ở đây chính là chỉ Trần Thế Quán, hay còn gọi là "Trần Các Lão", một người từng làm quan dưới thời Khang Hy và có quan hệ cực kỳ mật thiết với Hoàng tử thứ 4, Ung Thân vương Dận Chân (tức Ung Chính Hoàng đế). Lúc bấy giờ, Vương phi của Hoàng tử Dận Chân và vợ của Trần Các Lão đều mang thai. Không lâu sau đó, cả hai người cùng sinh vào một ngày, Vương phi của Ung Chính sinh ra một cách cách còn vợ của Trần thì sinh ra một bé trai. Ung Chính nghe nói con trai của Trần Các Lão sinh cùng ngày với cách cách của mình mới lệnh cho Trần mang con trai vào Vương phủ của mình để xem mặt. Lệnh của Vương gia không thể không nghe, Trần Các Lão không còn cách nào khác đành phải mang con của mình đưa vào Vương phủ. Tuy nhiên, khi đứa bé được trả về cho nhà họ Trần thì ban đầu là con trai giờ lại hóa thành con gái. Đứa con trai nhà họ Trần bị đánh tráo vào phủ Ung Chính sau này chính là Hoằng Lịch.

Lại có một truyền thuyết khác, sinh mẫu của Hoằng Lịch vốn tên là Lý Kim Quế (李金桂). Đây chỉ là một dân gian truyền thuyết, nhưng bên cạnh sự tích nhà họ Trần bên trên, thì thuyết này cũng nổi tiếng không kém. Theo truyền thuyết này, Lý Kim Quế vốn là một cung nữ ở Hành cung Nhiệt Hà. Tại đây, trong một lần uống rượu máu hươi (lộc huyết; 鹿血), Ung Chính Đế đã nổi hứng lâm hạnh Lý Kim Quế. Sau khi xong việc, Ung Chính vì cảm thấy Lý thị nhan sắc kém cỏi, xuất thân đê hèn, trong khi ấy ông đang cạnh tranh với các Hoàng tử khác trong sự kiện "Đoạt đích", do đó sau khi Lý thị sinh ra Hoằng Lịch, thì Ung Chính bèn nhanh chóng đưa đứa bé đến cho Nữu Hỗ Lộc thị nuôi nấng, xưng là mẹ ruột. Kết cuộc của Lý Kim Quế được truyền lai rằng bà vẫn còn sống khi Hoằng Lịch lên ngôi, nhưng lại chọn giả điên dại, bảo toàn thể diện hoàng gia.

Những thuyết trên tuy về mặt sử liệu cực kỳ đáng nghi và vớ vẩn, nhưng lại rất dễ trở thành tư liệu sáng tác cho tiểu thuyết cùng phim ảnh, do vậy nó vẫn tồn tại trong các truyện thuyết cổ trang. Câu chuyện về họ Trần đã được Kim Dung hư cấu thành bộ tiểu thuyết Thư kiếm ân cừu lục, còn về Lý Kim Quế đã được sử dụng trong hai loạt phim truyền hình nổi tiếng Hậu cung Chân Hoàn truyệnNhư Ý truyện. Một khúc Hí kịch tên Phong võ hành cung (风雨行宫) cũng dựa trên truyền thuyết về Lý Kim Quế.

Thời kỳ Hoàng tử

Tranh vẽ Bảo Thân vương Hoằng Lịch.

Trước khi Hoằng Lịch lên ngôi, tin tức về người kế vị đã được nhiều người biết đến. Hoằng Lịch chính là người được tổ phụ là Khang Hi và phụ hoàng là Ung Chính đánh giá cao. Trên thực tế, Ung Chính đã giao cho Hoằng Lịch nhiều công việc quan trọng từ khi Hoằng Lịch còn là hoàng tử, bao gồm cả những việc triều chính liên quan đến các chiến lược quân sự.

Theo mật chỉ do Ung Chính công bố, ngay từ năm Ung Chính nguyên niên (1723), tháng 8, Ung Chính đã chỉ định Hoàng tứ tử Hoằng Lịch chính thức trở thành Trữ quân. Do vậy, sự giáo dục của Hoằng Lịch từ thời khắc đó trở nên chú trọng hơn, bao gồm các lão thần Trương Đình Ngọc, Từ Nguyên Mộng, Thái Thế Xa,... ngoài ra các Hoàng thân như Doãn Lộc, Doãn Hi cũng đều kèm cặp cưỡi ngựa bắn cung cho Hoằng Lịch, để Hoằng Lịch không quên đi nguồn gốc tổ tiên.[6] Do đó, Hoằng Lịch nhanh chóng trở thành hoàng tử hiểu biết Mãn, Hán, Mông văn.

Năm Ung Chính thứ 2 (1724), gặp ngày kị của Khang Hy, Ung Chính sai Hoằng Lịch thay mình tế Cảnh lăng.[7]

Năm Ung Chính thứ 5 (1727), tháng 7, đại hôn, Hoằng Lịch được Ung Chính ban hôn cho Phú Sát thị, con gái Sáp Cáp Nhĩ tổng quản Lý Vinh Bảo, xuất thân từ dòng họ Sa Tế Phú Sát thị của Tương Hoàng kỳ. Đại hôn cử hành ở Tây Nhị sở trong Tử Cấm Thành (về sau Càn Long Đế đổi tên thành Trọng Hoa cung). Năm thứ 8 (1730), Đích tử của Hoằng Lịch ra đời, Ung Chính đích thân đặt tên Vĩnh Liễn (永琏), còn đặc biệt đem Nhạc Thiện đường toàn tập (乐善堂全集) ban chúc mừng.

Năm Ung Chính thứ 11 (1733), ông được gia phong Bảo Thân vương (寶親王). Cùng năm này, Ung Chính Đế cho phép Hoằng Lịch tham gia nghị định đàn áp Hãn quốc Chuẩn Cát Nhĩngười MiêuQuý Châu. Đây đều là đại chính sự khi đó của Đại Thanh, cho thấy tư cách kế vị của Hoằng Lịch đã rõ ràng hơn bao giờ hết. Ngoài ra, việc tế lăng, tế Khổng, tế Quan Thánh Đế Quân, tế Miếu,... những việc tế tự trọng đại đều do Hoằng Lịch đích thân chủ trì.

Để tránh lặp lại một cuộc tranh giành quyền lực - điều vốn để lại vết nhơ trong con đường đến ngai vàng của mình, Ung Chính Đế đã viết sẵn tên người kế ngôi, đưa vào trong một chiếc hộp niêm phong cẩn thận được đặt phía sau tấm bảng Chính đại quang minh (正大光明) phía trên ngai vàng tại Cung Càn Thanh.[8] Tên người kế vị sẽ được công khai cho các hoàng thân trong cuộc họp mặt của tất cả các quan đại thần, sau khi Hoàng đế mất. Đây chính là hình thức xác nhận ngôi vị Trữ quân mà các hoàng đế Nhà Thanh áp dụng cho đến khi Cách mạng Tân Hợi (1911) nổ ra, chấm dứt triều Thanh.

Vào năm Ung Chính thứ 13 (1735), ngày 23 tháng 8, Ung Chính qua đời. Nội thị lấy chỉ dụ đã được soạn sẵn, công bố trước triều đình. Theo đó, Bảo Thân vương Hoằng Lịch kế thừa Đế vị.[9] Do Hoằng Lịch là được bí mật tuyên chiếu lập vị, ông được mệnh các đại thần phù trợ, bao gồm Trang Thân vương Doãn Lộc, Quả Thân vương Doãn Lễ, Đại học sĩ Ngạc Nhĩ Thái và đại thần Trương Đình Ngọc. Ngày 3 tháng 9, Hoằng Lịch lên ngôi ở điện Thái Hòa, lấy năm sau là năm đầu niên hiệu Càn Long (乾隆). Ngày 27 tháng 9, di cư Dưỡng Tâm điện.